Thống kê truy cập

Đang trực tuyến: 12

Số lượt truy cập: 490051

Wechsler và đo lường trí tuệ

14/09/2017

Số lượt xem: 5803

Wechsler David (1896 - 1981) là tác giả của các bộ trắc nghiệm đo lường trí tuệ nổi tiếng vẫn được phát triển và ứng dụng phổ biến hiện nay.

Wechsler David (1896 - 1981) là tác giả của các bộ trắc nghiệm đo lường trí tuệ nổi tiếng vẫn được phát triển và ứng dụng phổ biến hiện nay.

Ông sinh ra trong một gia đình Do thái tại Romania. Hồi còn nhỏ, ông theo gia đình tản cư sang Mỹ. Ông đã theo học tại trường cao đẳng thành phố New York (City College of New York) và trường Đại học Columbia (Columbia University). Năm 1917 ông nhận bằng thạc sỹ và đến năm 1925 thì nhận bằng Tiến sĩ. Ông là giáo sư lâm sàng làm việc tại Bệnh viện Tâm thần Bellevue (1932-1967). Trong Thế chiến I, Wechsler D. làm việc cho quân đội Mỹ và phát triển các trắc nghiệm để sàng lọc tân binh dưới sự hướng dẫn của Charles Spearman and Karl Pearson, vốn là những người rất giỏi về thống kê. 

Các trắc nghiệm đo trí tuệ của Wechsler gồm

• WAIS (Wechsler Adult Intelligence Scale): 1939, sau đó gọi là Wechsler-Bellevue Intelligence Test. Dùng cho người lớn (từ 16 tuổi trở lên)
• WISC (Wechsler Intelligence Scale for Children): 1949. Dùng cho trẻ từ 5 – 15 tuổi, các phiên bản sau từ 6-16 tuổi 
• WPPSI (Wechsler Preschool and Primary Scale of Intelligence): 1967. Dùng cho trẻ em trước tuổi học từ 4-7 tuổi 

Các trắc nghiệm của Wechsler được xây dựng trên cơ sở quan điểm mới về trí tuệ. Cụ thể như sau:

Trước hết, ông cho rằng, trí tuệ là một dạng tổng thể của nhiều đơn vị chức năng trí tuệ, song không phải đơn thuần là tổng số các khả năng, mà là kết quả của sự phối hợp các khả năng đó.

Thứ hai, các chức năng này khác nhau và có thể đo được. Vì thế ta có thể đo được trí tuệ bằng cách đo các đơn vị chức năng hoặc là đo sự phối hợp giữa chúng.

Thứ ba, trí tuệ của cá nhân phụ thuộc và các điều kiện văn hóa xã hội. Nên chỉ số trị khôn của cá nhân chỉ có ý nghĩa nếu được so sánh với các cá nhân khác. Do đó cách tính IQ (chỉ số trí tuệ) của Wechsler dựa vào giá trị trung bình và độ lệch tiêu chuẩn của điểm trí tuệ của nhóm xã hội (thường được phân loại theo tuổi đời) mà cá nhân nằm trong đó. Sau đó, trong quá trình tỉnh điểm chuẩn, sẽ quy ước điểm trung bình là 100 với độ lệch là 15. Chỉ số IQ của Wechsler (dựa vào điểm trung bình mẫu và độ lệch chuẩn) khác với chỉ số IQ của Stern (tuổi trí khôn) và Binet-Simon (dựa vào tỷ lệ của tuổi trí khôn và tuổi đời).

 Cách tính này đã khắc phục được các nhược điểm so với cách tính IQ trước đó ở những điểm như: 
- Loại trừ được khái niệm tuổi khôn hết sức mơ hồ.
- Loại trừ được sự phụ thuộc của trí tuệ do công thức toán học đem lại và tuổi đời mà vẫn phản ánh được sự phụ thuộc bản chất giữa hai yếu tố.
- Tính được IQ của người lớn so với nhóm tuổi của họ.
- Khá chính xác so với thực tế (khoảng 2% loài người chậm khôn)
- Khả năng chẩn đoán được nâng cao.

Trắc nghiệm trí tuệ của Wechsler cho trẻ mầm non (WPPSI) là trắc nghiệm đo lường trí thông minh được thiết kế cho trẻ em từ 2 tuổi rưỡi đến trên 7 tuổi, do David Wechsler xây dựng lần đầu vào năm 1967.

Đây là trắc nghiệm đo trí tuệ ra đời sau test WAIS ( test trí tuệ dành cho người lớn) và WICS (test trí tuệ dành cho trẻ em). Như vậy, các phiên bản trắc nghiệm đo trí tuệ của Wechsler đã bao quát được việcđo lường trí tuệ cho các lứa tuổi khác nhau, từ trẻ mầm non cho đến người trưởng thành. 

Kể từ khi được công bố lần đầu đến nay, WPPSI đã được sửa đổi hai lần vào năm 1989 và 2002, tiếp theo phiên bản Anh vào năm 2003. Như vậy, cho đến nay đã có 3 phiên bản của WPPSI: đó là WPPSI, WPPSI-R và WPPSI-III. Mỗi bản sau đều chủ yếu kế thừa bản trước, hoàn thiện hơn và có bổ sung thêm một số tiểu test khác.

Bản đầu tiên, WPPSI (Wechsler, 1967) đã được xây dựng để đo trí thông minh cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi hằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với việc đánh giá trí tuệ của trẻ mẫu giáo. Khi đó, WPPSI được chia thành 11 tiểu test, tất cả đều được giữ lại trong bản chỉnh sửa vào năm 1989. Phiên bản hiện tại, WPPSI-III, là một phiên bản tiếp theo của WPPSI-R (Wechsler, 1989). 

Trắc nghiệm đánh giá trí tuệ của trẻ mầm non WPPSI-III bao gồm 14 tiểu test. Chúng gồm 3 phần khác nhau: phần trọng tâm, phần bổ sung và phần tùy chọn. Các bài tập phần trọng tâm cung cấp những thông số để đánh giá IQ phần lời, IQ phần thực hiện và IQ tổng quát. Phần bổ sung bao gồm những test phụ cung cấp thêm những thông tin về khả năng nhận thức có thể sử dụng thay thế cho những test không thích hợp. Phần tùy chọn cung cấp thông tin bổ sung về chức năng nhận thức nhưng không thể thay thế cho các test ở phần trọng tâm.

Các tiểu test của WPPSI bao gồm Thiết kế khối; Thông tin; Ma trận hợp lý; Từ vựng; Khái niệm hình ảnh; Tìm biểu tượng; Từ hợp lý; Mã hóa; Hiểu; Hoàn thiện tranh; Tương đồng; Từ vựng tiếp thu được; Xếp hình; và đặt tên tranh.

WPPSI được các chuyên gia tâm lí lâm sàng sử dụng phổ biến để đánh giá trí tuệ nói chung, hoặc có thể dùng để xác định năng khiếu về mặt trí tuệ. Bên cạnh đó, có thể dùng WPPSI để xác định sự chậm trễ về nhận thức và khó khăn trong học tập. Tương tự như các test đo lường chỉ số trí tuệ IQ khác, WPPSI đánh giá kỹ năng và khả năng, chứ không phải là khối kiến thức. 
Cho đến nay, WPPSI đã được dịch và thích nghi sang các cộng đồng khác nhau: Pháp, Đức, Ý, Thụy điển, Hà lan, Hàn quốc, Nhật bản, Úc, Canada. Tại Việt Nam, WPPSI chưa được thích nghi chính thức nên việc sử dụng còn rất hạn chế. 

Ngày nay, các trác nghiệm đo lường trí tuệ của Wechsler đã được phát triển thành các phiên bản khác nhau và là công cụ đo lường trí tuệ khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.

 

 

Nguồn: suckhoetamthan.net