Thống kê truy cập

Đang trực tuyến: 10

Số lượt truy cập: 490062

ĐÁNH GIÁ TRONG CAN THIỆP TRẺ KHUYẾT TẬT

13/09/2017

Số lượt xem: 8908

Trong giáo dục đặc biệt nói chung và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật nói riêng

Đánh giá là một phần rất quan trọng không thể thiếu

          Trong giáo dục đặc biệt nói chung và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật nói riêng, đánh giá là một phần rất quan trọng không thể thiếu được. Bailey và Wolery (1992) định nghĩa đánh giá là 'một quá trình thu thập thông tin để nhằm mục đích đưa ra quyết định'. Richard và Schiefelbusch (1991) mô tả đánh giá là 'một quá trình đa mức độ, bắt đầu bằng khám sàng lọc, tiếp tục là chẩn đoán, lập kế hoạch can thiệp, và theo dõi rồi đánh giá chương trình'. Những định nghĩa này cho thấy đánh giá là một quá trình năng động, nó cho phép ta có thể đưa ra nhiều quyết định về những đứa trẻ mà ta biết là nó bị khuy��t tật hay ta nghi ngờ là nó bị khuyết tật. Trên thực tế, có nhiều thể loại đánh giá có thể được thực hiện cùng thời điểm và ở nhiều mức độ khác nhau. Đánh giá là một quá trình tìm kiếm sự việc và giải quyết vấn đề.

          Nói cách khác, đánh giá trong can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật là quá trình thu thập thông tin một cách khoa học, thực tiễn để trên cơ sở đó có thể đưa ra những quyết định về kế hoạch, về định hướng can thiệp phù hợp với mỗi cá nhân trẻ và gia đình trẻ.

          Năm mục đích chính của đánh giá trong can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật là: (1) phát hiện; (2) xác định dạng tật; (3) xây dựng kế hoạch can thiệp; (4) kiểm tra sự tiến bộ của học sinh, và (5) đánh giá chương trình.

 

Cán bộ Trung tâm Giáo dục đặc biệt Hải Dương thực hiện đánh giá trẻ tài năng

 

Các lĩnh vực phát triển của trẻ khuyết tật cần đánh giá

          Các lĩnh vực phát triển là những mặt quan trọng mà một đánh giá toàn diện cho trẻ nhỏ bị khuyết tật hoặc nghi ngờ là bị khuyết tật tìm hiểu. Hầu hết các công cụ đánh giá được sử dụng cho trẻ nhỏ nhằm tìm hiểu chính xác mức độ phát triển của một hay hơn một mặt phát triển sau: kĩ năng nhận thức, kĩ năng vận động, kĩ năng ngôn ngữ và giao tiếp, kĩ năng xã hội và tình cảm, kĩ năng tự phục vụ và thích ứng. Tuy nhiên, sự phát triển trong suốt giai đoạn tiền học đường không thể tách riêng thành từng mặt phát triển riêng biệt được. Sở dĩ như vậy là bởi vì các mặt phát triển có liên quan chặt chẽ với nhau và tác động với nhau rất phức tạp ở trẻ nhỏ. Trên thực tế, mối quan hệ chức năng trực tiếp tồn tại giữa những thay đổi ở một mặt phát triển này và những thay đổi đó xuất hiện ở một mặt phát triển khác. Khi một đứa trẻ tập đi, nó tiếp cận với những trải nghiệm mới và chính những trải nghiệm này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kĩ năng (chẳng hạn như nhận thức, xã hội và ngôn ngữ). Hiểu được từng mặt phát triển như đã mô tả ở dưới đây sẽ giúp ta hiểu trẻ đầy đủ hơn. Sự phát triển điển hình có thể có tác dụng như là một lời hướng dẫn chung cho người làm can thiệp và là một mốc tham chiếu để biết khi nào nên xem xét từng ưu điểm và nhu cầu cũng như tiến bộ của trẻ.

Kĩ năng nhận thức

          Kĩ năng nhận thức đề cập đến khả năng về tinh thần và trí tuệ của đứa trẻ. Chỉ một hành vi nhận thức cũng đủ phản ánh những tiến bộ lớn lao diễn ra trong hai năm đầu đời. Khi đánh giá kĩ năng nhận thức của trẻ sơ sinh, người ta phải tìm hiểu khái niệm về tính bền vững của đồ vật, mối quan hệ không gian, bắt trước, cách thức kết thúc, quan hệ nhân quả, và việc sử dụng đồ vật. Sự phát triển nhận thức xuất hiện và thể hiện khi trẻ có ý định kích thích, chỉnh hợp thông tin mới với những kiến thức và kĩ năng đã có từ trước; biểu hiện những kĩ năng tiền học đường chẳng hạn như đếm, phân loại và nhận mặt chữ; và khả năng giải quyết vấn đề ngày càng phức tạp hơn. Hơn nữa, kĩ năng nhận thức trong đó có cả khả năng dự đoán những sự kiện xảy ra của đứa trẻ, việc sử dụng trí nhớ ngắn hạn và dài hạn, khả năng sắp xếp có trình tự các hoạt động, khả năng phát hiện sự khác biệt giữa đồ vật và sự kiện, và khả năng lập kế hoạch sẽ làm trong tương lai. Khi đang ở tuổi tiền học đường, việc đánh giá kĩ năng nhận thức cho ta biết kĩ năng tiền học đường, gồm có tiền đọc, tiền viết và hình thành biểu tượng về toán. Đánh giá sự phát triển nhận thức trong suốt những năm tháng tiểu học cho ta biết rõ hơn những kĩ năng tiền học đường và học đường. Vào lúc này, khả năng nhận thức của trẻ trở nên tinh vi và sắc xảo hơn, nó thể hiện ở sự hiểu biết của chúng về khái niệm, khả năng kể chuyện ngắn theo trật tự và khả năng làm toán.

Kĩ năng vận động 

          Đánh giá kĩ năng vận động được chia thành hai phần: đánh giá kĩ năng vận động tinh và đánh giá kĩ năng vận động thô. Kĩ năng vận động thô là khả năng di chuyển và đi lại ở xung quanh môi trường. Kĩ năng vận động thô tham gia vào vận động và kiểm soát các nhóm cơ lớn dùng để lẫy, ngồi, bò, đứng, đi lại, ném và nhảy. Kĩ năng vận động tinh là khả năng dùng các nhóm cơ nhỏ chẳng hạn như tay, chân và mặt. Kĩ năng vận động tinh dùng để với lấy, nắm và thả một đồ vật chẳng hạn; xây tháp, buộc giầy; cắt và viết.

          Kĩ năng vận động của trẻ sơ sinh chủ yếu mang tính phản xạ. Tuy nhiên, khi não dần trưởng thành và cơ bắp được kiện toàn thì trẻ càng ngày càng có thể kiểm soát sự vận động của mình và đi lại ở xung quanh môi trường. Trẻ nhỏ không chỉ phát triển khả năng kiểm soát vận động mà khả năng điều phối vận động của chúng cũng tăng lên cùng với sự phát triển của kĩ năng vận động. Nói chung, sự linh hoạt, dẻo dai, điều phối tay mắt của trẻ đều phát triển. Giữa lúc 2-6 tuổi, trẻ học và làm được nhiều việc một cách khéo léo hơn chẳng hạn như đi lại và chạy nhanh nhẹn hơn, giữ thăng bằng và làm được nhiều hoạt động đòi hỏi kĩ năng vận động tinh phải chính xác hơn (ví dụ như vẽ nguệch ngoạc, cắt bằng kéo, cài khuy, viết). Một đứa trẻ 8 tuổi có được kĩ năng vận động thô rất thành thạo như nhào lộn, đi xe đạp hai bánh và chơi bóng (rê bóng, ném bóng chính xác,....). Hầu hết trẻ 8 tuổi đã có thể viết khéo léo, chúng viết được gần hết các từ, vẽ được tranh có chi tiết nhỏ, chơi xâu hạt, xếp hình, khối hoặc với những đồ vật  nhỏ khác. Đánh giá vận động tập trung tìm hiểu sự phát triển kĩ năng vận động tinh và vận động thô, trong đó lưu ý đến chất lượng kĩ năng vận động của trẻ và cách chúng dùng những kĩ năng này như thế nào.

Kĩ năng giao tiếp và ngôn ngữ

          Về kĩ năng giao tiếp và ngôn ngữ, có ba khía cạnh phát triển mà khi đánh giá ta cần quan tâm đến. Giao tiếp là khả năng trao đổi thông điệp giữa người nói và người nghe. Ngôn ngữ là khả năng dùng biểu tượng (là những con chữ được dùng theo nhiều cách để tạo thành từ) hay cú pháp (qui định tạo cấu trúc câu), hoặc ngữ pháp  khi giao tiếp với người khác. Lời nói là sự phát âm thành tiếng/lời dùng trong giao tiếp.

          Việc đánh giá kĩ năng giao tiếp và ngôn ngữ của trẻ nhỏ sẽ xét trên cả ngôn ngữ tiếp nhận và ngôn ngữ biểu đạt. Ngôn ngữ tiếp nhận là khả năng hiểu các thông tin lời nói và phi lời nói. Ngôn ngữ biểu đạt là khả năng trình bày ý nghĩ hay cảm xúc của mình qua lời nói, cử chỉ điệu bộ hoặc hành vi.

          Giai đoạn phát triển kĩ năng giao tiếp và ngôn ngữ quan trọng nhất là trước 5 tuổi. Giao tiếp của trẻ sơ sinh lúc đầu thường không có chủ ý; tuy nhiên khi đến 3 tuổi hầu hết trẻ đã đạt được những yêu cầu chính đối với một hệ thống giao tiếp. Phát triển ngôn ngữ trải qua nhiều giai đoạn, nó bắt đầu từ lúc mới sinh. Khi đến tuổi đi học, trẻ thường dùng được tất cả những câu nói mà người lớn phát ngôn. Khi kĩ năng giao tiếp bị khiếm khuyết hay chậm phát triển, nghiệm viên chú ý đến ý định giao tiếp của trẻ, có nghĩa là họ tập trung vào những cái mà trẻ cố gắng trao đổi mặc chúng có thể ẩn chứa nhiều nghĩa (như cử chỉ điệu bộ, ánh mắt, phát âm).

3.2.4 Kĩ năng xã hội và tình cảm

          Người ta tìm hiểu kĩ năng xã hội và tình cảm qua những hành vi mô tả cách trẻ tương tác với người khác, kể cả người lớn và bạn cùng trang lứa; cách chúng phản ứng trong nhiều tình xuống xã hội. Những kĩ năng này bao gồm cả việc trẻ chủ động tương tác và phản hồi với những tương tác mà người khác gây ra. Khi trẻ tương tác với người lớn, chúng cần những kĩ năng như chơi với nhau, chia xẻ đồ chơi hoặc đề nghị đến lượt mình. Kĩ năng tình cảm là khả năng phát hiện và trao đổi về cảm xúc cũng như hành động theo tình cảm của bản thân mà vẫn tôn trọng quyền của người khác. Kĩ năng tình cảm bao gồm cả cách kiểm soát cảm giác hưng phấn, giận dữ; cách giải quyết khi gặp xung đột. Cá tính của trẻ sẽ được 'gọt rũa' nhờ chính những trải nghiệm của nó lúc còn thơ ấu. Chúng ta đều mong muốn là trẻ sẽ cảm thấy yên tâm về bản thân, biết cách bày tỏ cảm xúc của mình vơi người khác sao cho hợp lý.

3.2.5 Kĩ năng tự chăm sóc và thích ứng

          Đánh giá kĩ năng tự chăm sóc và thích ứng thường tập trung vào kĩ năng ăn, chăm sóc cá nhân (đi vệ sinh, đánh răng, rửa tay,...) và mặc hoặc cởi quần áo. Khi những kĩ năng khác mà trẻ đã thành thục (vận động thô và tinh), thì những kĩ năng tự chăm sóc và thích ứng cũng được phối hợp với nhau tốt hơn, nhờ vậy trẻ có thể tự chăm sóc và thích ứng một cách độc lập hơn rất nhiều. Lúc mới sinh, những kĩ năng tự chăm sóc và thích ứng nổi trội là ăn và ngủ. Tuy vậy, khi lớn hơn và có thời gian tương tác với môi trường nhiều hơn, trẻ dần trở nên độc lập về kĩ năng ăn mặc và chăm sóc bản thân. Trẻ sơ sinh  phát triển kĩ năng từ các phản xạ bú, mút tới ăn bằng tay và uống khi đến tuổi chập chững biết đi, rồi tự ăn bằng các đồ dùng hợp lý ở trường mẫu giáo hoặc nhà trẻ. Đi vệ sinh, rửa tay, đánh răng, và chải tóc là những ví dụ về kĩ năng tự chăm sóc. Những kĩ năng này cũng dần trở nên khéo léo hơn nếu trẻ cứ làm đi làm lại nhiều lần. Tương tự như, hầu hết trẻ tiền học đường có kĩ năng mặc quần áo sẽ tiến bộ từ chỗ tự biết cởi rồi biết mặc. Khi đến tuổi mẫu giáo và bắt đầu đi học, trẻ tự làm được gần hết các kĩ năng tự phục vụ (cởi hoặc kéo phép mơ tuya quần áo bò). Dần dà trẻ làm được nhiều việc hơn như ăn mặc và trong các môi trường như ở nhà, trưòng, cộng đồng. Đánh giá kĩ năng chăm sóc và thích ứng tập trung tìm hiểu mức độ chính xác và độc lập khi trẻ dùng chúng.

          Để đánh giá trong chương trinh can thiêp sớm cho trẻ khuyết tật ta có thể sử dụng một số cách thức sau: Sử dụng các trắc nghiệm chính thức kiểm tra trực tiếp trên trẻ hoặc những người liên quan, quan sát trong môi trường tự nhiên,  phỏng vấn và xem xét hồ sơ lưu trữ…