Thống kê truy cập

Đang trực tuyến: 1

Số lượt truy cập: 408859

DÍNH THẮNG LƯỠI

12/08/2021

Số lượt xem: 6412

DÍNH THẮNG LƯỠI

Theo thống kê, có khoảng 5% trẻ sơ sinh gặp phải dị tật này, tỷ lệ ở bé trai nhiều hơn bé gái.

Dính phanh lưỡi (còn gọi là dính lưỡi) là dị tật bẩm sinh nhẹ, trong đó phanh lưỡi (lớp màng mỏng nằm dưới lưỡi) bị ngắn, dầy và căng, khiến chuyển động của lưỡi bị hạn chế nên có thể ảnh hưởng đến việc bú mẹ hoặc phát âm của trẻ, tùy vào mức độ mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định có cần phải cắt hay không.

CÁCH NHẬN BIẾT 

Cha mẹ có thể nhận biết tật dính thắng lưỡi ở con thông qua những biểu hiện sau:

- Thắng lưỡi ngắn, cử động lưỡi bị hạn chế.

- Đầu lưỡi không thè ra ngoài môi được.

- Đầu lưỡi không thể đụng nóc vòm miệng.

- Khi trẻ khóc, đầu lưỡi hình trái tim do cử động ra phía trước và sau của lưỡi bị giới hạn.

- Trẻ bú khó và phát âm cũng khó.

THỜI ĐIỂM PHẪU THUẬT TỐT NHẤT

Hầu hết các bậc cha mẹ khi biết con bị dính thắng lưỡi đều thấy rất lo lắng. Tuy nhiên, các ông bố bà mẹ hãy yên tâm, thủ thuật cắt dính thắng lưỡi không hề gây nguy hiểm cho trẻ.

Ngay sau sinh, nếu phát hiện trẻ bị dính thắng lưỡi, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám với bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng hoặc Răng Hàm Mặt để được đánh giá chính xác mức độ dính thắng lưỡi, nếu chỉ dính dây thắng lưỡi độ 1, hoặc 2 thì chỉ cần theo dõi, chưa cần can thiệp ngay, nếu là độ 3 hoặc 4, các bác sĩ sẽ tiến hành can thiệp dưới gây tê tại chỗ.

Thời điểm cắt thắng lưỡi phù hợp và an toan nhất thường là khi bé 3-4 tháng tuổi hoặc sớm hơn, nếu trì hoãn lâu, phần dính thắng lưỡi sẽ có mạch máu nuôi và thường dày hơn, khi cắt bé sẽ đau và có nguy cơ chảy máu và có thể sẽ phải khâu.

THỦ THUẬT CÓ AN TOÀN CHO BÉ KHÔNG?

Tại bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, cắt thắng lưỡi thực hiện đơn giản, nhanh và an toàn cho trẻ. Ở trẻ nhỏ (thường dưới 6 tháng), bác sĩ chỉ cần bôi hoặc tiêm thuốc tê rồi dùng kéo bấm hoặc dao điện cắt thắng lưỡi tại phòng tiểu phẫu. Sau đó, trẻ có thể bú và được cho về ngay. Đối với những trẻ lớn hơn thường do trẻ thiếu hợp tác do tâm lí sợ hãi có thể sẽ phải gây mê để tiến hành thủ thuật này.

Thông thường, sau tiểu thuật, trẻ ít khi bị đau, việc ăn uống cũng ít bị ảnh hưởng. Ở một số trẻ bác sĩ có thể sẽ phải đốt nhẹ để cầm máu tại vị trí cắt thắng lưỡi, do thắng lưỡi có mạch nuôi và gây chảy máu, sau đó có thể có một chút giả gạc màu trắng bám ở diện cắt, đây là diễn biến bình thường (không phải nhiễm trùng). Lớp giả mạc này sẽ bong dần ra và không gây đau đớn hay khó chịu cho em bé.

NHỮNG LƯU Ý SAU PHẪU THUẬT

Sau phẫu thuật, trong việc theo dõi và chăm sóc trẻ, phụ huynh cần lưu ý:

- Không cho trẻ sờ vào vùng phẫu thuật để tránh nhiễm trùng hoặc gây chảy máu.

- Uống thuốc đúng theo toa bác sĩ.

- Ngày đầu tiên nên cho trẻ uống sữa/ăn thức ăn lỏng, nguội; cho uống nhiều nước và không cho trẻ ăn thức thức ăn nóng.

- Nếu trẻ bị khâu một số mũi ở vùng dưới lưỡi, nên hướng dẫn trẻ thực hiện một số bài tập vận động lưỡi, giúp lưỡi di động tốt và tránh sẹo sau này. Ngoài ra, nếu có gì bất thường, nên đưa trẻ đến bác sĩ khám lại.

 

Nguồn: Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội